Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

(28/06) Th. Ireneo, giám mục tử đạo (Lễ Nhớ)

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013


ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTUS XVI

Anh Chị Em thân mến,

Trong các bài giáo lý liên quan đế các khuôn mặt cao cả trong Giáo Hội ở các thế kỷ tiên khởi, hôm nay chúng ta đến chiêm ngắm hình ảnh của một nhân vật trổi vượt, đó là Thánh Ireneo ở Lyon.

Các tin tức về tiểu sử của ngài chúng ta có được từ các nhân chứng của ngài, được Eusebio ghi lại cho chúng ta trong quyển sách thứ năm về Lịch Sử Giáo Hội ( Storia Ecclesiastica).

Có lẽ Ireneo được sinh ra ở Smirne ( hiện nay là Izmir, bên Thổ Nhỉ Kỳ) vào các năm 135-140, nơi là ngay lúc còn thơ ấu, cậu Ireneo đã theo học trường phái của Giám Mục Policarpo, môn đệ của Thánh Gioan Tông Đồ.

Chúng ta không có tin chính xác ngài di chuyển từ Tiểu Á đến xứ Gallia ( Pháp Quốc hiện nay) từ lúc nào, nhưng có lẽ sự di chuyển của ngài xãy ra đồng thời với các sự phát triển tiên khởi của Công Đồng Ki Tô giáo ở Lyon: tại đây, năm 177, chúng ta có tên tuổi của Ireneo trong danh sách các Linh Mục.

Chính năm đó là năm Ireneo được sai đi Roma, mang theo thư của Cộng Đồng Lyon gởi cho Đức Giáo Hoàng Eleuterio. Sứ mạng đi Roma cứu sống Ireneo khỏi cơn bắt đạo của hoàng đế Marco Aurelio, trong đó có ít nhứt bốn mươi tám vị tử đạo,kể cả vị Giám Mục của Lyon, một vị Giám Mục già nua chín mươi tuổi, chết trong tù vi bị ngược đãi.

Như vậy, lúc trở về, Ireneo được chọn làm Giám Mục. Vị Tân Giám Mục hy sinh hoàn toàn cả cuộc đời mình cho phận vụ giám mục, được kết thúc vào năm 202-203, có lẽ cũng chịu tử đạo.

1 - Thánh Ireneo trước hết là người đầy đức tin vững mạnh và là một Vị Chủ Chăn. Với đặc tính của một chủ chăn, ngài có lý trí biết cân nhắc, giáo lý dồi dào, và hăng say truyền giáo.
Với tư cách là một nhà viết văn, Thánh Ireneo viết văn với hai mục đích:

- bênh vực giáo lý chính đáng chống lại các cuộc tấn công của các nhóm rối đạo,
- trình bày một cách trong sáng chân lý của đức tin.
Hai mục đích đó được thể hiện trong hai tác phẩm của ngài còn lưu lại cho chúng ta: đó là
- năm quyển sách " Chống lại các bè rối đạo" ( Contro le eresie),
- và quyển " Trình bày lời giảng dạy của các Tông Đồ" ( Esposizione delle predicazione apostolica), mà chúng ta có thể gọi là quyển giáo lý Ki Tô giáo cổ xưa nhứt.

Nói cho cùng, Thánh Ireneo là nhà vô địch chống lại các bè rối đạo. Giáo Hội ở thế kỷ II đang bị " nhóm duy trí chủ nghĩa" ( gnosi) bắt nạt, là chủ thuyết cho rằng đức tin mà Giáo Hội dạy chỉ là biểu tượng cho những người đơn sơ, không có khả năng hiểu biết những gì phức tạp, khó khăn; trái lại, những người khởi đầu, những nhà trí thức - gnostici - mà họ tự gọi họ, mới là những người thấu hiểu được những gì hàm chứa đàng sau các dấu hiệu tương trưng đó, và như vậy theo họ, họ có thể tạo ra thành phần Ki Tô hữu chọn lọc, trí thức.

Dĩ nhiên là nhóm Ki Tô giáo trí thức đó càng ngày càng chia tách nhau, tùy theo tư tưởng kỳ hoặc và ngoạn mục, rất hấp dẫn đối với nhiều người.

Một yếu tố chung của các luồn tư tưởng dị biệt nhau đó là chủ thuyết lưỡng cực ( dualismo), chối bỏ đức tin vào một Thiên Chúa duy nhứt là Cha của tất cả mọi người, Đấng Tạo Dựng và Đấng Cứu Chuộc con người và vũ trụ.

Để giải thích sự ác trên thế gian, họ quả quyết rằng ngoài ra Thiên Chúa tốt lành, còn có một nguyên lực tiêu cực. Chính nguyên lực tiêu cực đó là nguồn sinh ra mọi vật thể vật chất, thế giới vật chất.

Gắn chặt vào giáo lý Thánh Kinh về sự sáng tạo, Thánh Ireneo đả phá thuyết lưỡng cực và quan niệm bi quan của duy trí chủ nghĩa ( pessimismo gnostico) hạ thấp phẩm giá của thực thể thể xác con người.

Thánh Ireneo xác nhận rằng nguồn gốc thánh thiện của vật chất, của thân xác, của xác thịt, không có gì thua kém hơn những gì thuộc thế giới thần linh. Nhưng tác phẩm của ngài còn đi xa hơn những gì để biện bác bè rối đạo: thật vậy, chúng ta có thể nói rằng ngài là nhà đại thần học tiên khởi của Giáo Hội, là người đã tạo ra nền thần học hệ thống ( teologia sistematica). Chính ngài đã nói về hệ thống thần học, tức là đặc tính mạch lạc nội tại của cả hệ thống đức tin.

Trung tâm học thuyết của ngài là vấn đề " luật lệ của đức tin" ( regola della fede) và cách thức rao truyền chuyển tiếp đức tin đó.
Đối với Thánh Ireneo, " luật lệ của đức tin " trên thực tế chính là Kinh Tin Kính của các Tông Đồ. Đó chính là chìa khoá để giải thích Phúc Âm, để giải thích Kinh Tin Kính dưới ánh sáng Phúc Âm.

Kinh Tin Kính của các Thánh Tông Đồ là một bản Phúc Âm đút kết ngắn gọn, giúp chúng ta hiểu ý nghĩa và chỉ cho chúng ta phải đọc Phúc Âm thế nào.
Thật vậy, Phúc Âm mà Thánh Ireneo rao giảng chính là Phúc Âm mà ngài nhận được từ Policarpo, Giám Mục ở Smirne, và Phúc Âm của Policarpo bắt nguồn từ Thánh Gioan Tông Đồ, mà Policarpo là đệ tử.
Như vậy, lời rao giảng đích thực không phải là những gì rao giảng được giới trí thức biến chế ra, bên ngoài đức tin đơn sơ của Giáo Hội.

Phúc Âm đích thực là Phúc Âm được các Giám Mục giảng dạy, Phúc Âm mà các vị nhận lãnh được trong chuổi tiếp nối không đứt đoạn từ các Thánh Tông Đồ. Các Tông Đồ không giảng dạy những gì hơn là chính đức tin đơn sơ, và cũng là nguồn thâm sâu thật sự được Thiên Chúa mạc khải cho.

Như vậy - Thánh Ireneo nói - không có một đức tin nào bí ẩn đàng sau Kinh Tin Kính chung của Giáo Hội. Không có một nền Ki Tô giáo nào trổi thượng khác hơn cho những nhà trí thức.

2 - Đức tin được Giáo Hội công khai tuyên xưng là đức tin chung cho tất cả mọi người. Chỉ có đức tin đó mới là đức tin tông truyền, từ các Thánh Tông Đồ, từ Chúa Giêsu, từ Thiên Chúa.
Gắn chặt vào đức tin nầy, đức tin được các Thánh Tông Đồ công khai truyền lại cho những ai tiếp nối các ngài, các tín hữu Chúa Ki Tô phải tuân theo những gì các Giám Mục nói, nhứt là họ phải nhìn nhận lời giảng dạy của Giáo Hội Roma là những lời giảng dạy thượng đẳng và có từ ngàn xưa.

Giáo Hội Roma, nhờ vào truyền thống cổ kính của mình, có đặc tính tông truyền trổi vượt hơn, bởi vì múc lấy nguồn gốc của mình từ các cột trụ của Cộng Đồng Tông Đồ, Thánh Phêrô và Thánh Phaolồ.
Tất cả các Giáo Hội khác phải đồng thuận với Giáo Hội Roma, bởi vì nhận thức rằng trong Giáo Hội Roma có tầm mức trổi vượt của tông truyền, của một đức tin duy nhứt chung cho cả Giáo Hội.
Với những luận cứ như vừa kể, chúng ta vừa tóm kết một cách ngắn gọn, Thánh Ireneo đã phản bát tận nền tảng các viện cớ của các nhóm " duy trí chủ nghĩa" , của các nhà trí thức vừa kể:
- trước hết họ không có một chân lý nào được coi là trổi vượt hơn đức tin phổ quát cho tất cả, bởi vì những gì họ chủ trương không bắt nguồn từ nguồn gốc tông truyền, mà do họ sáng kiến biến chế ra;
- kế đến chân lý và ơn cứu rỗi không phải là đặc ân hay độc quyền của một ít người, bởi lẽ mọi người đều có thể lãnh hội được nhờ vào lời giảng dạy của Các Đấng Kế Vị các Tông Đồ, nhứt là vị Giám Mục Roma.

Nhứt là trong các trận bút chiến với đặc tính " bí mật " của truyền thống " duy trí chủ nghĩa ", và trong khi xác nhận muôn vàn kết luận nghịch lý của họ,
Thánh Ireneo chăm lo làm sáng tỏ quan niệm chính đáng của tông truyền, mà chúng ta có thể tóm gọn vào ba điểm sau đây:

a) Tông truyền là truyền thống đại chúng, không có gì riêng tư và bí mật.
Đối với Thánh Ireneo, không có gì nghi ngờ rằng nội dung đức tin được Giáo Hội rao truyền là những gì nhận lãnh được từ các Tông Đồ và từ Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.
Không có điều giảng dạy nào khác điều vừa kể. Như vậy, ai muốn biết được đức tin đích thực, chỉ cần biết " Truyền Thống được truyền lại từ các Thánh Tông Đồ và đức tin được loan báo cho mọi người": truyền thống và đức tin được chuyển đạt đến chúng ta qua sự tiếp nối của các Giám Mục" ( Adv. Haer. 3, 3, 3-4).

Như vậy việc các Giám Mục nối tiếp nhau, nguồn gốc nhân sự, truyền thống các Tông Đồ, nguồn gốc đức tin phối hợp ăn khớp nhau.

b) Truyền thống các Thánh Tông Đồ là một thực thể " duy nhứt ".
Thật vậy, trong khi " duy trí chủ thể" bị phân chia thành nhiều phe phái, thì Truyền Thống của Giáo Hội vẫn là một trong các nội dung nền tảng của mình, là truyền thống - như chứng ta thấy - đưọc Thánh Ireneo gọi là " lề luật của đức tin hay chân lý " ( regula fidei o veritatis): như vậy bởi vì là truyền thống duy nhứt, tạo nên sự hợp nhứt giữa các dân dân tộc, giữa các nền văn hoá khác nhau, qua các dân nước khác nhau; là nội dung chung như là chân lý, mặc cho có khác biệt về ngôn ngữ và văn hoá.

Có một câu nói rất qúy giá của Thánh Ireneo trong quyển " Chống các bè rối" ( Contro le eresie): " Giáo Hội, mặc dầu rải rác khắp nơi trên thế giới, vẫn thận trong gìn giữ ( đức tin của các Thánh Tông Đồ), như thể là cả Giáo Hội cùng ở chung nhau một nhà; cũng vậy, cùng tin vào chân lý đó, như thể là chỉ có một linh hồn và một trái tim duy nhứt; cùng hoàn toàn đồng thuận với chân lý đó, tuyên bố, giảng dạy và truyền bá, như thể là chỉ có một miệng lưỡi duy nhứt. Ngôn ngữ của thế giới có khác nhau, nhưng quyền năng của truyền thống chỉ là một, là duy nhứt: các Giáo Hội được thiết lâp ở Đức không lãnh nhận cũng không truyền bá một đức tin nào khác, cũng vậy các Giáo Hội đưọc thiết lập ở Tây Ban Nha hay ở các đảo Celti hoặc ở các vùng bên phương đông hay ở Ai Cập, ở Lybia hay ở trung tâm địa cầu cũng vậy" ( 1, 10,1-2).
Điều vừa kể cho thấy là ngay lúc đó, chúng ta đang ở thời điểm năm 200, tính cách phổ quát của Giáo Hội, đặc tính công giáo của mình và sức mạnh hiệp nhứt của chân lý, kết hợp các thực tại khác biệt nhau, từ Đức Quốc, đến Tây Ban Nha, Ý Quốc, Ai Cập, Lybia, quy tựu chung nhau trong chân lý được Chúa Ki Tô mạc khải cho chúng ta.

c) Sau cùng Truyền Thông các Tông Đồ, như Thánh Ireneo viết bằng ngôn ngữ Hy Lạp trong sách của ngài là " pneumatica", có nghĩa là " thần linh", được Chúa Thánh Thần hướng dẫn: trong ngôn ngữ Hy Lạp, thần linh được nói là " pneuma".

Như vậy, tông truyền không phải là được ủy thác cho đức tính khôn khéo của con người, có tài năng hơn hay kém cũng vậy, mà được ủy thác cho Chúa Thánh Thần, là Đấng bảo chứng cho sự trao chuyển đức tin được trung thực.
Và đó là " đời sống" của Giáo Hội. Đó là điều làm cho Giáo Hội luôn luôn tươi thắm và trẻ trung, sự sung mãn của muôn vàn ân sủng.

Giáo Hội và Chúa Thánh Thần đối với Thánh Ireneo là hai thực thể không thể tách rời nhau được: " Đức tin nầy" - chúng ta còn đọc được trong quyển sách thứ ba "Chống các bè rối " , chúng ta đã nhận được từ Giáo Hội và chúng ta gìn giữ lấy: đức tin, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, như là một kho tàng châu báu được gìn giữ trong một bình đựng bảo vật, luôn luôn trở nên tươi trẻ và làm trẻ trung hoá cả chiếc bình chứa đựng báu vật...Ở đâu có Giáo Hội, ở đó có Thánh Thần của Chúa; và ở đâu có Thánh Thần của Chúa, ở đó có Giáo Hội và mọi ân sủng" ( 3, 24,1).

3 - Như chúng ta thấy, Thánh Ireneo không chỉ giới hạn định nghĩa quan niệm Tông truyền. Tông truyền đối với ngài, Truyền Thống không gián đoạn, không phải là những gì cổ hủ, bởi vì Tông Truyền luôn luôn được Chúa Thánh Thần làm cho sống động, làm cho sống cuộc sống mới mẻ, làm cho được giải thích và thấu hiểu trong cuộc sống sống động của Giáo Hội.

Như vậy theo lời dạy bảo của Thánh Ireneo, đức tin của Giáo Hội phải được truyền bá thế nào để mọi người thấy được là đức tin " phổ quát", " duy nhứt", " được Chúa Thánh Thần bảo trợ", " thiêng thánh".
Khởi điểm từ những đặc tính vừa kể, chúng ta có thể chuẩn định được một cách hữu ích về cách truyền bá chính danh đức tin trong Giáo Hội ngày nay.
Nói cách tổng quát hơn, trong tư tưởng của Thánh Ireneo, phẩm giá con người, thể xác và linh hồn, được gắn chặt vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa, vào hình ảnh của Chúa Ki Tô và vào tác động thánh hoá không ngừng của Chúa Thánh Thần.

Tư tưởng đó là " đại lộ "
- để giải thích cho mọi người thành tâm thiện chí đối tượng và lằn mức của các giá trị trong cuộc đối thoại,
- để tăng thêm động lực luôn luôn mới mẻ cho sứ mạng của Giáo Hội,
- tạo thêm sức mạnh cho chân lý là nguồn mạch của mọi giá trị thực hữu trên thế giới.

Phỏng dịch từ nguyên bản Ý Ngữ: Nguyễn Học Tập
( Nhật báo Avvenire, 29.03.2007, 22).
Tin Liên Quan
Xem Trên Mobile

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét